Đạt được tự do tài chính trong thời gian ngắn là ước mơ của rất nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ. Vậy điều gì tạo nên sự tự do tài chính? Để trả lời cho câu hỏi này, mới đây anh Phan Lê Thành Long, Giám đốc CMA Australia tại Việt Nam đã có những chia sẻ trên facebook cá nhân của mình về việc ”đạt tự do tài chính sau 5 năm”, bài viết đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và bình luận của mọi người.
Dưới đây là toàn bộ phần chia sẻ của anh Phan Lê Thành Long, hãy cùng AFA tìm hiểu và đưa ra quan điểm riêng của bản thân nhé!
Kết quả khảo sát mong muốn đạt được tự do tài chính sau bao nhiêu năm ngày hôm qua đã có (xem hình). Mặc dù “Đề bài” chỉ có 2 lựa chọn 5 năm và 20 năm nhưng kết quả có đến 5 lựa chọn khác nhau trong tổng số 192 lượt khảo sát. Trong đó lựa chọn 5 năm cao nhất, chiếm 57.3%.
Tại sao 5 năm và 20 năm?
Hai con số này chỉ là tượng trưng cho sự mong muốn ngắn hay dài, nhanh hay chậm, còn thực thế mỗi người có một điều kiện khác nhau, mong muốn rất khác nhau.
Con số 20 năm được lấy là bởi có nhiều ý kiến cho rằng hoặc tính toán rằng sau khi tốt nghiệp ra đi làm, bạn tiết kiệm và đầu tư ổn định, hưởng lợi thế của lãi kép để sau 20 năm đạt tài sản đầu tư 1 triệu USD, từ đó hưởng thu nhập thụ động 4%/năm đủ để trang trải chi phí phát sinh cho gia đình bạn trong năm đó. Như thế là đạt tự do tài chính và có thể nghỉ hưu sớm.
Con số 5 năm tại sao được lấy. Con số này là tình cờ trong buổi hội thảo chia sẻ về tài chính cá nhân mình có nghe chị Minh Hương, Chủ tịch VnDirect, có nói rằng “tại sao phải là 20 năm mà không phải 5 năm? chúng ta không thể chờ quá lâu để đạt được tự do tài chính”. Chị Minh Hương nói ý rằng tại sao chúng ta không hướng tới đạt mục tiêu tự do tài chính sớm nhất có thể. Và khi các bạn chưa có thì bạn có thể đặt mục tiêu 5 năm.
Độ tuổi rất quan trọng
Thế hệ Gen X (sinh từ 1965-1979) đã có điều kiện để có thể đạt tự do tài chính hoặc đã đạt nên họ sẽ chọn càng ngắn càng tốt, 5 năm. Thế hệ Gen Y (1980-1994) là một thế hệ thích trải nghiệm. Với họ sự trải nghiệm cuộc sống quan trọng hơn có được bao nhiêu tiền, và vì thế phần nhiều họ chọn 5 năm. Gen Z (1995-2015), một thế hệ còn đầy tiềm năng phía trước, họ chọn nhiều hơn vào 20 năm bởi họ nghĩ tương lai còn dài.
Như vậy không hẳn là trẻ hơn thì chọn phiêu lưu hơn. Với dân Wealth Management, việc hiểu đặc tính độ tuổi và khẩu vị rủi ro rất quan trọng để đưa ra các phương án quản lý tài chính cá nhân cho từng người.
Chuyên gia Phan Lê Thành Long – Giám đốc CMA Australia tại Việt Nam
Cách tiếp cận và lối sống
Vậy nếu đa số muốn chỉ sau 5 năm tới sẽ đạt tự do tài chính thì phải làm thế nào? liệu 5 năm có quá ngắn hay không?
Vấn đề là cách tiếp cận và lối sống của bạn như thế nào? nếu bạn vay mượn để chi tiêu một cách bừa phứa, chi tiêu mà không cần nghĩ, chi vào những thứ không mang lại nguồn thu nhập, bạn ưa thích sự hào nhoáng, ưa dùng hàng hiệu thì bố mẹ bạn phải rất giàu có hoặc bạn phải kiếm ra rất nhiều tiền. Nếu không thì sau 5 năm, 10 năm, 20 năm hay cả đời bạn sẽ chẳng bao giờ thấy được tự do tài chính.
Vậy ta bắt đầu bằng một bạn trẻ vừa ra trường, có việc làm có triển vọng phát triển, mục tiêu sau 5 năm đạt được tự do tài chính.
Khó không? quả là không dễ chút nào.
Nhưng vấn đề là bạn định nghĩa thế nào là tự do tài chính? mỗi người sẽ có mỗi quan điểm khác nhau. Cá nhân mình thì tự thấy, với hai bàn tay trắng, đạt được tự do tài chính vào năm 30 tuổi mà không cần phải có 1 triệu USD vào lúc đó. Khi cảm thấy đạt được tự do tài chính rồi, thì hơn 10 năm qua, mình sống và làm việc dựa trên nền tảng cơ bản của một từ “Innovation”, và chẳng bao giờ quan tâm mình có 1 triệu USD tài sản đầu tư hay không, bởi nó chẳng có ý nghĩa. Mà nhiều khi như thế đạt được tài sản triệu đô dễ lắm, nhanh lắm. Chẳng lẽ đến ngoài 40, độ tuổi chín nhất để phát triển thì bạn lại có ý nghĩ nghỉ hưu sớm, không muốn làm việc nữa? cá nhân mình thì không.
Bạn được làm những việc mình muốn, tạo được thu nhập tốt cho bạn. Thu nhập của bạn lớn hơn nhu cầu chi tiêu của bạn, và saving rate của bạn ngày càng tăng lên. Mỗi sáng khi mở mắt ra, bạn đón nhận một ngày mới với nhiều dự định, nhiều việc có ý nghĩa. Vậy bạn tự do, mà không cần phải lo về việc phải kiếm ra bao nhiêu tiền.
Một bạn trẻ mới ra trường, tất nhiên, còn thiếu nhiều thứ. 3 nền tảng cơ bản nhất trong cách tiếp cận cho bạn ấy là Business – Saving Rate – Investment. Bạn cần trang bị cho mình năng lực trong 3 lĩnh vực này.
Từ Business ở đây có nghĩa là “Công việc”. Bạn có thể có một việc làm tốt, có khả năng phát triển. Hoặc sau đó bạn có thể khởi sự kinh doanh hoặc thậm chí bạn có thể có lộ trình thăng tiến chính trị. Đây là nguồn thu nhập chủ động của bạn.
Từ Saving Rate dịch đơn giản là “Tỷ lệ tiết kiệm” tính trên thu nhập hàng tháng/hàng năm của bạn. Ở đây mình nhấn mạnh rằng không phải từ “Tiết kiệm” mà “Tỷ lệ tiết kiệm”. Bởi thường chúng ta chỉ hay được dạy rằng phải tiết kiệm, nhiều khi đến mức khắc khổ, hàng ngày để mà đạt được cái điều gọi là tự do tài chính. Chỉ có điều “Tiết kiệm” là cách chậm nhất để đạt được điều đó, và thường dành cho những ai lựa chọn con số 20 năm. Nhiệm vụ chúng ta là tăng saving rate chứ không tăng Tiết kiệm. Bởi lẽ Tiết kiệm sẽ có thể là nguyên nhân khiến bạn mất đi cơ hội chi tiêu vào những thứ đáng chi tiêu, và nó là nguồn gốc tạo ra thu nhập lớn trong tương lai, và tất nhiên làm giảm Saving Rate. Bạn cần phải hướng đến mục tiêu chi tiêu một cách phù hợp nhưng Saving Rate vẫn cứ tăng đều đặn.
Từ Investment, tất nhiên có nghĩa là “Đầu tư”. Có Business và Saving Rate tốt, bạn sẽ có cơ hội đầu tư. Nhiệm vụ của bạn lúc này là đầu tư vào Tài sản có khả năng sinh lợi. Có tiền mua xe xịn. Cũng OK, nếu xe xịn tạo ra thu nhập tương lai cho bạn. Vậy cứ đầu tư vào thứ tài sản nào có khả năng tạo thu nhập tương lai.
Với kiềng ba chân Business – Saving Rate – Investment ở mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời, bạn sẽ nên giành ưu tiên cho chân kiềng nào đó để cuối cùng đạt mục tiêu tự do tài chính nhanh nhất.
Cá nhân mình biết có nhiều bạn rất trẻ đã đạt được điều mình muốn, có thu nhập >1 triệu USD/năm một cách bền vững và đang đóng góp rất lớn cho xã hội. Đợt tới mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, và mình không giỏi nên mình sẽ chia sẻ thêm những quan sát về các trường hợp thành công, về từng chân kiềng mà mỗi giai đoạn khác nhau thì ưu tiên như thế nào, và làm thế nào phát huy được tốt nhất từng chân kiềng.
Nếu làm tốt, 5 năm để đạt tự do tài chính từ hai bàn tay trắng chỉ có kiến thức là có thể. Nhưng nếu không làm đúng, không làm tốt, kể cả sau 20 năm thì bạn vẫn không đạt được điều mình muốn.